Để đầu tư một sân bóng đá cỏ nhân tạo, số tiền các chủ đầu tư phải bỏ ra không phải là một con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành một sân bóng, không phải sân nào cũng đẹp hoàn hảo, không mắc một chút lỗi nào, nhất là với những sân được thực hiện bởi đơn vị thi công không chuyên nghiệp.
Với kinh nghiệm trên 10 năm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp và thi công sân bóng cỏ nhân tạo, DVN Việt Nam sẽ liệt kê một số lỗi hay gặp phải khi thi công sân bóng để các chủ đầu tư có thể giảm thiểu tối đa được những sự cố này.
Mục lục
1. THI CÔNG NỀN HẠ KHÔNG ĐẠT CHẤT LƯỢNG
Tưởng chừng đơn giản nhưng nền hạ chính là yếu tố quyết định phần lớn đến chất lượng mặt sân bóng cỏ nhân tạo. Nếu mặt nền có chất lượng không tốt sẽ dẫn đến tình trạng sụt lún, mặt sân bị lồi lõm, dễ bị đọng nước, ngập nước… Điều này không những ảnh hưởng đến quá trình khai thác sân mà nó còn ảnh hưởng tới chất lượng mặt sân, làm giảm tuổi thọ của cỏ nhân tạo.
Các lỗi chủ quan:
– Nền đất yếu nhưng kỹ thuật công trình không nắm bắt được hoặc không tư vấn cho chủ đầu tư xử lý triệt để phần nền bị yếu hoặc do chủ đầu tư quá chủ quan bỏ qua cảnh báo từ kỹ thuật hỗ trợ.
– Chất lượng đá base, đá mạt không được tốt, không đúng yêu cầu, kỹ thuật của nhà thầu không tư vấn chi tiết chủng loại cũng như khối lượng đá base, mạt cần dùng.
– Tiến hành thi công trong điều kiện mặt bằng và thời tiết không cho phép, ví dụ như thi công khi trời mưa hoặc nền đất còn yếu mà vẫn cho máy vào san ủi, lu… Trường hợp này có thể do kỹ thuật giám sát công trình không theo sát trong quá trình thi công hoặc do chủ sân vì nóng ruột, muốn triển khai nhanh mà bất chấp các điều kiện.
– Đội kỹ thuật thi công chủ quan không kiểm tra lại mặt bằng trước khi trải cỏ nên không nắm được tình trạng hiện có.
2. HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC KHÔNG ĐẢM BẢO
Tình trạng sân bóng bị ngập nước không phải là hiếm thấy đối với chúng ta. Nhiều sân cứ mỗi khi mưa to hay mưa nhỏ thì sẽ gặp tình trạng ngập toàn sân hoặc đọng nhiều vũng nước không thể thoát được. Nếu như mặt sân có các phần bị đọng nước thì đó có thể là do mặt sân bị trũng võng, sụt lún do quá trình thi công nền không đạt yêu cầu.
Trường hợp nếu như mặt sân bị ngập toàn bộ thì nhiều khả năng là do độ dốc của mặt sân không đảm bảo hoặc do hệ thống thoát nước không thoát được số nước chảy dồn từ mặt sân về. Điều này không chỉ dẫn đến việc thoát nước chậm trong sân mà còn dẫn tới khả năng nước bị thấm ngược vào nền về lâu về dài sẽ xảy ra tình trạng sụt lún.
Một số nguyên nhân khiến sân bị đọng nước:
– Độ dốc của mặt sân không đạt chuẩn. Theo tiêu chuẩn FIFA, độ dốc tiêu chuẩn của sân bóng sẽ từ 0,5-0,6%. Nếu như kỹ thuật tư vấn không nắm rõ được chuyên môn, giảm độ dốc xuống còn 0,2 -0,3% thì sẽ khiến cho nước trên sân thoát ra ngoài mép rất chậm.
– Không xây dựng mương gom nước. Một số chủ đầu tư không làm hệ thống mương thoát nước để tiết kiệm chi phí, cho nước chảy tràn tự do ra 4 xung quanh sân. Điều này sẽ làm cho nước ngấm ngược vào trong sân. Trong những trường hợp này, chủ đầu tư cần làm một hệ thống máng mương hở để gom nước trên mặt sân chảy ra và định hướng chảy ra phía ngoài sân để đảm bảo nước sẽ thoát hoàn toàn khỏi mặt sân và không bị ngấm trở lại.
– Mặt sân bị lỗi trong quá trình thi công nền hạ như không phẳng, không mịn, chỗ lồi chỗ lõm… cũng là một nguyên nhân chính khiến mặt sân bóng bị đọng nước cục bộ về sau.
3. THI CÔNG MẶT CỎ NHÂN TẠO KHÔNG ĐẠT YÊU CẦU
Chuyện cắt bớt vật tư trong quá trình thi công là một vấn đề không “mới” trong ngành xây dựng. Đối với thi công mặt sân bóng, việc giảm khối lượng vật tư (cát và cao su…) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng mặt cỏ như giảm độ êm, độ nảy của bóng, sợi cỏ nhân tạo nhanh bị hỏng, mặt sân bị trơn trượt…
Thông thường, một sân bóng sẽ cần lượng cát đảm bảo bao phủ được 2,5 – 3,5cm sợi cỏ và cao su sẽ cần khoảng 5 – 6kg/1m2 cỏ.
4. SỬ DỤNG VẬT TƯ ĐÈN, LƯỚI KHÔNG CHẤT LƯỢNG
Trong các hạng mục đầu tư sân bóng cỏ nhân tạo, hạng mục đèn và lưới thường chiếm tỷ trọng không cao và có lẽ cũng vì lý do đó mà nhiều chủ đầu tư thường chủ quan, không coi trọng, chọn những chủng loại vật tư rẻ, không đảm bảo chất lượng và tuổi thọ thấp.
– Chọn loại đèn kém chất lượng khiến ánh sáng sân yếu, đèn hay bị cháy. Thông thường, giá kém chất lượng thường rẻ hơn đèn chính hãng từ 30-50%; tuy nhiên sau một thời gian sử dụng (khoảng 6 tháng) thì khả năng chiếu sáng sẽ giảm đi nhiều và cháy hỏng rất nhiều.
– Chọn lưới kém chất lượng: Các loại lưới chất lượng cao được sản xuất bằng các sợi nhựa tổng hợp như PE, PA, PP, PES khác hẳn với lưới chất lượng kém thường được làm từ sợi nilon. Sau một thời gian sử dụng rất ngắn, dưới thời tiết nắng mưa, lưới kém chất lượng dễ bị mục và rách, ảnh hưởng nhiều đến quá trình chơi bóng của các cầu thủ.
Trên đây là một số lỗi thường hay gặp phải trong quá trình đầu tư sân bóng mà DVN đã đúc kết ra trong quá trình thi công sân bóng và quá trình bảo dưỡng một số sân bóng bị lỗi. Hy vọng các chủ đầu tư sân bóng sẽ tránh gặp phải những lỗi cơ bản này để có một công trình thể thao đẹp và chất lượng.